Vào thời điểm hiện tại, giá 1kg tổ yến nuôi dao động khoảng trên 30 triệu, nếu làm sạch, có giá trị có thể lên đến trên 40 triệu đồng. Đây là một nguồn lợi kinh tế rất lớn so với các ngành nghề khác. Với diện tích lắp đặt khoảng 100 mét vuông ,Yến nuôi sau 1.5 năm thường cho thu hoạch trên dưới 1kg/tháng.

 

“Mỏ vàng trắng”

Theo các số liệu khảo sát, toàn quốc có khoảng 219 hang yến tự nhiên lớn nhỏ. Trong đó, Khánh Hòa có 154 hang yến, Bình Định có 16 hang, Quảng Nam có 7 hang, Quảng Bình 4 hang, Quảng Ngãi 3 hang, Phú Yên 12 hang, Ninh Thuận 9 hang, Côn Đảo 14 hang.

Theo thống kê sơ bộ, sản lượng yến sào đảo yến thiên nhiên ở Việt Nam trong khoảng 5.000kg/năm. Trong đó, Khánh Hòa là nơi có số lượng quần thể, sản lượng dẫn đầu cả nước và chất lượng được đánh giá hàng đầu thế giới. Năm 2012, sản lượng yến sào đảo yến khai thác của Khánh Hòa là khoảng 3.236 kg.

Bên cạnh việc khai thác tổ yến sinh sống làm tổ tự nhiên trong các hang đảo, những năm gần đây đã xuất hiện phân loài chim yến nhà – sinh sống, làm tổ trong nhà với số lượng quần đàn ngày càng tăng. Hiện nay, phân loài chim yến này phân bổ hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tập trung với số lượng lớn ở các tỉnh duyên hải từ Nam Trung bộ đến Cà Mau.

Nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam đã hình thành và đang phát triển. Sản lượng yến nuôi trong nhà ngày càng tăng. Những mẩu chuyện từ hơn mười năm trước, về việc chim yến vào làm tổ một cách tự nhiên ở một số ngôi nhà: 155 Thống Nhất, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); 21 – 23 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Nhà hát Thanh Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận)… nay đã trở thành những tư liệu trong các công trình nghiên cứu về phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà.

Trong thực tế, nghề này nay đã tạo nên một làn sóng mới về đầu tư sản xuất đầy triển vọng, có sức lan tỏa lớn.

Theo số liệu điều tra từ thời điểm tháng 6/2014, cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi chim yến trong nhà với tổng số lượng trên 2.610 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố như: Tiền Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh…

Ba năm sau đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và Thạc sĩ Hồ Thị Loan (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam), đến tháng 3/2017, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà, với tổng số trên 5.060 nhà yến. Trong đó các địa phương thuộc khu vực phía Nam như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang mỗi nơi có từ 550 – 700 nhà yến.

Nghề nuôi yến tại khu vực Miền Trung mạnh nhất là các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, khi mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát triển nghề trong tương lai.

Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các tỉnh, thành phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, kể cả các tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai cũng đã bắt đầu hình thành nghề nuôi yến trong nhà.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng Sơn – người đã dành không ít thời gian cho nghiên cứu khoa học về chim yến, nói: “Sau hơn mười năm phát triển, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam từ chỗ phải mò mẫm tìm hiểu, tự thử nghiệm hoặc nhập khẩu công nghệ, vật liệu từ nước ngoài đã dần nghiên cứu hoàn chỉnh cơ sở khoa học, công nghệ để chủ động phát triển nghề này trên quy mô rộng, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương”.

 

Hướng đi nào cho nghề nuôi yến trong nhà tương lai?

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng số lượng nhà yến ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ít hơn nhiều lần so với các nước đi đầu trong phát triển nghề nuôi chim yến trong khu vực, như 200.000 nhà yến tại Indonesia, 10.000 nhà yến ở Thái Lan và 60.000 nhà yến ở Malaysia.

Các Hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam lần lượt ra đời nhằm đưa ra các giải pháp để phát triển nghề này trước tình hình dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, dưới sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên cả nước.

Theo đó, định hướng chung là phát triển ngành nghề nuôi chim yến của các tỉnh, thành phố cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.

Luận điểm khoa học nêu rõ, giai đoạn 2013 đến 2020 là thời cơ vàng cho sự phát triển hang yến nhân tạo, nhà yến tại Việt Nam. Xác định thời cơ vàng cho ngành nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển nhất là các tỉnh Nam bộ. Nắm bắt vận hội mới cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, tạo giá trị xuất khẩu lớn đem lại nhiều nguồn thu và lợi ích cho đất nước. Xây dựng làng nghề truyền thống nuôi chim yến với đặc trưng nhà yến kết hợp vườn sinh thái tại các vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam bộ tạo nên những khu tham quan du lịch mang bản sắc văn hóa Á Đông.

Đây là chương trình phát triển kinh tế kết hợp phát triển du lịch có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nhiều việc làm cho nhân dân….

 

Qua khảo sát chuyên ngành về điều kiện tự nhiên, môi trường cho thấy ở Việt Nam có lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi chim yến. Điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến sinh sống và phát triển bầy đàn. Việt nam thuộc vùng có nhiều rừng, vườn cây, có diện tích lớn mặt nước, có đồng lúa, bụi cây thấp và khí hậu nóng ẩm. Theo các nhà nghiên cứu, các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế hơn cả, bởi điều kiện tự nhiên ở các vùng này rất thuận lợi, hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển, có khả năng nhà yến cho năng suất cao.

Theo Ths. Lê Hữu Hoàng: “để phát triển ngành này cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phát triển ngành nghề nuôi chim yến. Chú trọng nghiên cứu đặc điểm sinh thái học làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển nhân đàn yến.

Chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến cho nông dân. Thực hiện các khóa huấn luyện, đào tạo, kinh nghiệm nuôi cho người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm yến sào Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia “Yến sào Việt Nam” có vị thế thương trường quốc tế. Khi đã xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến mang quy mô quốc gia, các địa phương trong toàn quốc cần phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ ở mỗi tỉnh, tránh hiện tượng xây nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, lưu ý thêm: “Việc quy hoạch các vùng nuôi yến cần tách biệt khu vực xây dựng nhà yến ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với các tỉnh hiện có số lượng nhà yến lớn như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang cũng nên phát triển ở mức độ vừa phải, bởi lẽ sự cân bằng giữa nguồn thức ăn tự nhiên cho chim yến và chất lượng, năng suất tổ yến cũng là vấn đề cần tính đến.

Với những vùng nuôi yến ở phía Bắc mới hình thành, như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình gặp phải trở ngại về thời tiết mùa đông giá lạnh. Làm thế nào để trong mùa đông chim yến vẫn kiếm được mồi với đặc điểm sinh thái vừa bay vừa bắt mồi, là một vấn đề tiếp tục được nghiên cứu.”

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn đã và đang tiếp tục tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nuôi chim yến, kể cả lĩnh vực chế biến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm yến sào.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh mạnh, việc bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm yến sào của từng địa phương, từng doanh nghiệp cũng cần được chú trọng để đảm bảo uy tín, chất lượng cho các sản phẩm yến của Việt Nam, vốn được thị trường quốc tế lâu nay đánh giá cao.