Tổng hợp kỹ thuật nuôi chim yến từ A – Z

 

Khái quát về ngành nuôi chim yến

Nuôi chim yến lấy tổ là một nghề hot ở Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trước kia, tổ yến được xem là loại thực phẩm cao cấp, chỉ được dùng trong các bữa yến tiệc của vua chúa, thì nay chúng dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, với trị giá hàng chục triệu mỗi kg tổ yến, hàng trăm triệu đồng mỗi kg yến huyết, việc nuôi chim yến được xem như một nghề dành cho những nhà “đầu tư” có tiềm lực về tài chính.

Ở nước ta có một số loài chim yến phổ biến như: yến cỏ cây dừa, yến tổ trắng hay yến cỏ Việt Nam, yến hàng… với những đặc tính khác nhau. Do đó, việc nuôi chim yến để lấy tổ là cả một quá trình dài, yêu cầu người nuôi phải kiên trì và đam mê.

Kỹ thuật nuôi yến khá phức tạp và cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu xây dựng nhà yến đến việc chăm sóc, bảo vệ yến khỏi bị dịch bệnh, … Chỉ như vậy thì bạn mới có thể thành công và kinh doanh đạt hiệu quả cao.

 

Xây dựng nhà cho chim yến

Có thể nói đây là khâu quan trọng và quyết định tới sự thành công của việc nuôi chim yến. Đây là loài hoang dã, chưa được thuần dưỡng, quen sống trong các hang động tự nhiên. Do vậy, muốn dụ được chim yến, bạn cần tạo ra một môi trường sống như ngoài tự nhiên để chúng thích nghi và cảm thấy an toàn.

 


Xây dựng nhà yến là khâu quan trọng nhất

 

Lựa chọn vị trí làm nhà 

Lựa chọn vị trí để xây nhà là bước đầu tiên trong giai đoạn này. Bạn cần xem xét khu vực định xây nhà có lượng chim đủ lớn hay không. Số lượng chim yến phải tầm 250 con trở lên thì việc đầu tư kỹ thuật mới mang lại kết quả cao. Và công việc đánh giá này cần những người có kinh nghiệm, và đưa ra những kết quả chính xác nhất.

Để chọn chính xác vị trí làm nhà cũng như hướng của nhà, bạn cần xem xét hướng bay chiều về của chim. Nhà của yến phải đặt ngay trên đường bay và các lỗ thu chim phải phù hợp với đường bay của chúng. Bạn nên xây dựng ở những nơi có ao, hồ, sông, đồng, … tạo điều kiện cho chúng tìm được nguồn thức ăn, nước uống.

 

Kết cấu trong xây nhà nuôi yến

Cấu trúc nhà nuôi yến phụ thuộc vào vùng khí hậu nơi xây dựng nhà. Với những vùng khí hậu khác nhau thì cấu trúc nhà khác nhau.

  • Khi nhiệt độ bên trong hơn 27 độ C: có thể xây dựng phòng suốt hoặc ngăn, diện tích lớn hơn 4x4m, chiều cao tối thiểu 3m, tối đa 4m. Độ dày tường nhà từ 20 – 25cm, mặt tường tô xi măng nhám. Mái nhà lợp ngói ốp ván hoặc bằng bê ông, góc nghiêng mái từ 30-40 độ. Hệ thống gió để kiểm soát nhiệt độ và hồ nước để kiểm soát độ ẩm.
  • Khi nhiệt độ bên trong dưới 27 độ C: kích thước phòng tối đa 4x4m, chiều cao tối thiểu 2.5m, tối đa 3m. Mái bằng tole hoặc amiang, hướng dốc. Không cần hồ nước bên trong và hệ thống thông gió.

 

Độ ẩm trong nhà nuôi yến

Độ ẩm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sống của yến. Do đó, khi thiết kế và xây dựng, độ ẩm của nhà yến đảm bảo từ 70% – 85%. Trong quá trình vận hành cần phải điều chỉnh độ ẩm trong nhà yến nằm trong biên độ này. Nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ở mức 27-29 độ C. Đây được xem là điều kiện hợp lý cho yến sinh trưởng và phát triển. 

 

Kích thước phòng lượn và ánh sáng

Nhà yến thường được thiết kế chia thành nhiều phòng và không thể thiếu phòng bay lượn cho chim. Kích thước tối thiểu là 5x5m, kích thước ô thông giữa các tầng tối thiểu là 4x4m. Khoảng cách lỗ ra vào tùy thuộc vào kích thước của ngôi nhà, số lượng bầy đàn và từng giai đoạn để thiết kế sao cho phù hợp. Kích thước có thể là 20×30cm, 40×60cm hoặc 40×80cm, ….

Ánh sáng thích hợp nhất với điều kiện sống của yến là từ 0.02 đến 0.2 lux. Đối với những nhà đã hoàn thiện, có thể điều chỉnh ánh sáng bằng các vách ngăn mềm. Chúng giúp làm tối các góc phòng cho chim yến làm tổ, sinh sản và nuôi dưỡng chim con, …

 

Giàn khung tổ

Giàn khung tổ là nơi để yến làm tổ. Nếu không có giàn khung tổ, chúng sẽ làm tổ trên tường nhà, trần nhà, … khiến việc quản lý khó khăn và cho ra sản lượng thấp.

 


Hình ảnh cho giàn khung tổ

 

Giàn khung tổ đạt yêu cầu là sử dụng loại thanh khung đủ mềm cho yến dễ bám, dễ thấm hút nước và khô nhanh nước miếng của yến bao gồm cả lúc nhiệt độ thay đổi, sạch và nhẵn để yến dễ bám tổ. Thanh khung không chứa dầu, mùi và màu chói.

Độ dày thanh khung gỗ tốt nhất là 3cm, bề rộng 15cm (khu vực nhiệt độ hơn 27 độ C) và khoảng 20cm (khu vực lạnh). Nếu nhỏ hơn 2 kích thước trên yến sẽ đặt ức lên vành cổ, tổ bị dính lông.

Việc đặt giàn khung tổ có 2 cách như sau:

  • Hiện đại: người ta tự đặt giàn khung tạo thành hệ thống ma trận (khung ngang và khung dọc) với kích thước 30x100cm 
  • Truyền thống: gắn thanh khung sát vào trần nhà bằng bulong hoặc định vít thẳng góc với trần nhà (yến không thích khe hở và lung lay).

 

Các phương pháp lấy nguồn giống chim yến

Sau khi xây dựng nhà nuôi yến, chúng ta cần tiến hành lấy nguồn giống. Có rất nhiều phương pháp đã và đang được tiến hành hiện nay. Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm nhất định, tùy thuộc vào điều kiện của từng nhà.

 


Tổng hợp các phương pháp lấy nguồn giống chim yến phổ biến nhất

 

Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống

Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn chim giống đã áp dụng thành công ở nhiều khu vực. Ban đầu, nghiên cứu các đặc tính của chim yến sinh sống ở các hang đảo và trong các ngôi nhà yến. Sau đó tiến hành xây dựng quy trình dựa trên những nghiên cứu đó. Quy trình nuôi chim con cũng dựa trên cơ sở quan sát chim mẹ nuôi con ở đảo và trong nhà yến (bằng Camera hồng ngoại).

Do đó, phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống nói trên đã hoàn thiện từ khâu ấp nở nhân tạo, kỹ thuật nuôi chim con qua từng giai đoạn phát triển… cho đến phương pháp tập bay trong nhà lồng cho chim con hòa nhập môi trường tự nhiên và môi trường bên trong ngôi nhà yến.

 

Phương pháp di đàn chim yến

Đây là phương pháp di đàn chim yến trưởng thành từ nhà yến có số lượng đàn chim ở ổn định sang nhà yến mới xây dựng để gia tăng quần đàn cho nhà yến mới. Trước đây, việc tiến hành di đàn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay đã xác định được các điều kiện cần thiết để di đàn, các bước thực hiện di đàn và phương pháp hỗ trợ chim yến ở lại ngôi nhà yến, hình thành bí quyết di đàn chim yến.

 

Phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên

Để phát triển đạt hiệu quả kinh tế, nhà yến phải luôn quan tâm đến sự phát triển quần đàn chim yến trong quá trình vận hành. Ngoài phương pháp gia tăng quần đàn bằng cách di đàn chim con nuôi nhân tạo, còn phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên để phát triển quần đàn chim yến trong nhà.

 

Đây là phương án có hiệu quả nhanh, chi phí thấp, thời gian chim vào nhà ở nhanh và có thể phổ biến quy trình công nghệ cho người dân rất dễ dàng. Phương pháp này được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như: xử lý dung dịch dẫn dụ, định kỳ thay tiếng âm thanh mới, tạo nguồn thức ăn bổ sung cho nhà yến để thu hút chim về nhà yến và ở lại làm tổ, gia tăng quần đàn chim.

Tuy nhiên đây là phương pháp chỉ được áp dụng cho từng cá thể nhà yến và không chủ động nguồn giống cho sự phát triển chung của quần thể chim yến. Chính vì vậy, cần tiến hành đồng thời cả ba phương pháp trên để đem lại hiệu quả cao nhất mà không ảnh hưởng nhiều tới cộng đồng yến tự nhiên.

 

Kỹ thuật nuôi chim yến sinh sản

Thời gian chim yến bắt đầu xây tổ là vào khoảng trung tuần tháng 1 hằng năm. Mùa này gọi là mùa yến sinh sản và đến tầm tháng 3 là đẻ. Cả con đực và con mái cùng nhau xây tổ rồi ấp trứng và nuôi con. Nói chung chúng sống 1 cuộc đời ổn định.

Sau 8-10 tháng tuổi là chim yến đẻ trứng lứa đầu. Thời gian xây tổ là từ 30-80 ngày. Sau đó chúng sẽ giao cấu và đẻ trứng khoảng 5-8 ngày. Thời gian ấp trứng là 23 ngày đến 1 tháng. Chim non khi nở đến lúc bay được ra khỏi tổ thường là 43 ngày hoặc sớm muộn hơn vài ngày. Chim non lúc mới nở da hồng, nhăn nheo và trụi lông. Sau khi bố mẹ chăm 5-6 ngày mới nhú lông ra. Nói chung lông mọc rất ít và chậm. Trong vòng 20 ngày đầu lông cứ như thế, đến 30-45 ngày mới mọc đều hơn. Sang ngày 45 là bay được rồi.

Nuôi yến trong nhà và cho chim tự ấp thì 1 năm chúng đẻ được 3 lứa. Chu kỳ sinh sản mỗi lứa tầm 3-4 tháng. Cụ thể 1-2 tháng đầu xây tổ. Thời gian còn lại là ấp trứng và nuôi con. Chúng sẽ nghỉ 1 thời gian cho hồi sức mới đẻ tiếp. Có thể nói nuôi yến trong nhà thì chim đẻ không đều.

Khi chim vừa đẻ thì cần hết sức lưu ý và phòng ngừa những loài gây hại như chuột, gián, dơi, … Chúng có thể ăn chim non, ảnh hưởng tới sinh sản và duy trì sự sống. Ngoài ra, luôn luôn chú ý tới nhiệt độ và độ ẩm, môi trường sống thuận lợi cho sự phát triển của chim non.

 

Chim yến ăn gì?

Chim yến khá khó tính. Chúng không ăn thức ăn gia cầm cũng không ăn thức ăn mà con người cho ăn. Chúng chỉ ăn 1 số loài nhất định như ong, mối, chuồn chuồn kim, cào cào, những con có kích thước rất nhỏ.

 


Hình ảnh chim yến mẹ mớm mồi cho con non

 

Chúng thường ăn bộ cánh màng như kiến (61,1%). Sau đó mới đến bộ cánh đều như mối (14,7%), còn bộ 2 cánh như ruồi tỉ lệ là (7,8%). Các loại khác thì tỉ lệ không đáng kể. Trong tất cả các loài thì ong kiến là loại chúng thích ăn nhất (50-70%), sau đó đến ruồi, muỗi, bọ rầy, mối, chuồn chuồn kim, giống bọ xít nhỏ, các loại bướm đêm, …

Thức ăn chim yến ưa thích chính là ong kiến (chiếm khoảng 50-70%), tiếp theo là mối, ruồi muỗi hay bọ rầy, bọ rùa, bọ xít nhỏ, chuồn chuồn kim, bướm đêm, cánh tơ và cào cào. Chim thường bắt thức ăn trong khi bay, với độ cao khoảng 30m và theo sự phân bố của côn trùng trên không trung. Có các loài cây đặc trưng được chim yến rất yêu quý, cũng có những nơi mà chúng rất thích đậu. Đó đều là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho loài chim này. Các cây thường thu hút nhiều côn trùng như cây táo nhơn, cây sung, …

Chim yến con thường được cho ăn trứng, ấu trùng ong kiến non. Người nuôi chim yến hiện nay còn cho ăn thêm một vài loại sâu hay dế cắt nhỏ. Thời gian đầu, kéo dài khoảng 5 đến 6 tuần, chim yến con được cả hai bố mẹ mớm mồi cho. 

Trong thời gian này, cục mồi mà chim yến con ăn khoảng 0,6 – 1g. Sau dần,  cục mồi có kích thước lớn hơn là 1,5 – 1,7g. Thời gian mớm mồi gần nhất cách nhau khoảng 30 phút. Khi nuôi chim yến con, thường cho chim con ăn 3 đến 4 lần một ngày. Cụ thể, 3 lần vào ban ngày, 1 lần vào khoảng 8 giờ tối. Chim yến con tiếp nhận thức ăn từ con người cung cấp bình thường và cũng sinh trưởng bình thường đến khi bay được.

Có nhiều phương pháp tạo nguồn thức ăn ngay tại nhà cho chim yến như từ ruồi giấm Drosophila, mọt bột Sitophilus Oryzae sử dụng MIXCO-2. Như vậy, giúp người nuôi yến sẽ chủ động được nguồn thức ăn cho chim yến và nhất là bổ sung được nguồn thức ăn cho những mùa hay những vùng có khí hậu không thuận lợi, nguồn côn trùng giảm sút.

 

Cách phòng bệnh cho chim yến

Bệnh thường xảy ra với chim yến khi nuôi là bị chân đỏ và sưng. Nguyên nhân được lý giải là do chúng vận động ít hoặc có thể do gen di truyền. Cũng có thể bị mạt, rệp, ve gây bệnh khiến chúng mệt mỏi và cạn kiệt dinh dưỡng. Dấu hiệu của bệnh là khi đứng chúng co 1 chân lên.

Chúng rất nhạy cảm với tác động bên ngoài. Nếu chỉ bị trầy da nhỏ thì dùng oxy già, cồn,… rửa ngay cho chim. Còn nếu bị chảy máu thì dùng thuốc cầm máu theo đúng liều lượng. Một số địch hại của chim yến như: chuột, kiến, gián, rận rệp, dơi, … Chúng sẽ làm hại tới trứng, tổ yến, gây thiệt hại nên cần lưu ý, quan sát và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

 

Thu hoạch tổ yến đúng cách

 


Cách thu hoạch tổ yến đúng cách

 

Ngoài việc biết cách nuôi chim yến thì thu hoạch tổ yến đúng cách có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu không thu hoạch đúng thời điểm sẽ dẫn tới chất lượng tổ yến thấp và năng suất không cao. Thông thường chúng ta có thể thu hoạch 4 lần tổ yến trong một năm. Thời điểm thu hoạch tổ yến hợp lí là: 

 

Trước khi chim yến đẻ trứng

Thu hoạch ở thời điểm này là phổ biến nhất bởi vì đây là lúc tổ yến sạch sẽ nhất, không bị nhiều bụi bẩn, không bị dính phân hay lông. Giá trị tổ yến mang lại cũng là cao nhất vì thời gian xử lý ngắn do tổ yến đã sạch sẵn rồi. Khi chim yến phát hiện ra là bị mất tổ thì sẽ lập tức xây lại tổ mới.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại một số nhược điểm đó là trọng lượng tổ yến thu được nhẹ hơn vì lượng nước dãi của chim yến là ít. Và sức khỏe của chim yến sẽ bị ảnh hưởng vì chúng phải mất sức xây lại tổ mới, đặc biệt là những con chim đang chuẩn bị đẻ mà lại không có tổ để đẻ.

 

Khi yến đẻ 2 cái trứng

Thời điểm thích hợp để thu hoạch tổ yến tiếp theo đó là khi bạn thấy trong tổ yến có 2 cái trứng rồi thì bạn tiến hành lấy tổ yến. Nên nhớ là khi nào thấy 2 cái trứng thì mới thu hoạch chứ không được thu hoạch khi trong tổ mới có 1 trứng bởi vì như thế sẽ làm ảnh hưởng và gây nhiều rắc rối cho chim yến mẹ.

Thu hoạch tại thời điểm này có lợi là tổ yến lúc này đã hoàn thành đầy đủ về cấu trúc, tổ yến dày hơn và đạt chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là số lượng chim yến trong nhà nuôi sẽ bị giảm đi do không có trứng nở đẻ ra những con chim yến non.

 

Sau khi chim yến non rời tổ

Cách thứ ba trong phương pháp thu hoạch tổ yến đó là lấy tổ yến khi chim non đã rời tổ. Với cách này thì bạn sẽ được lợi là số lượng tổ yến sẽ tăng lên nhiều lần do chim non rời tổ sẽ ở lại trong nhà và tiếp tục xây tổ mới.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là chất lượng tổ yến thu được không sạch mà có nhiều tạp chất, lông yến, …, cần phải qua nhiều khâu xử lý nên có thể giá trị dinh dưỡng có trong tổ yến sẽ bị giảm đi.

Như vậy, bài viết đã cung cấp rất đầy đủ thông tin cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi yến lấy tổ chi tiết và cụ thể nhất. Mặc dù khi nuôi chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng nếu biết được những kĩ thuật này và có sự đam mê, chắc chắn bạn sẽ thành công.