Khi đã quyết định đầu tư xây nhà gọi Yến, nuôi yến trong nhà có rất nhiều yếu tố mà bạn cần phải xem xét, tính toán vô cùng chi li và cẩn thận để đạt được mục đích cuối cùng là cung cấp một nơi ở tiện nghi, thoải mái, an toàn nhất để chim Yến ở lại làm tổ và tăng đàn. Từ đó đem lại sản phẩm có giá trị cao, số lượng lớn và gia tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư.

Vậy đối với việc nuôi yến trong nhà những yếu tố nào sẽ giúp bạn đạt được thành công? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

 

1. Đặc điểm nhận dạng chim yến

 

Ở Việt Nam, chim yến hàng sinh sống làm tổ trong các hang đảo tự nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện phân loài chim yến nhà sinh sống, làm tổ trong nhà với số lượng quần đàn ngày càng tăng. Hiện nay, phân loài chim yến này phân bố ở hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Cà Mau, đặc biệt chim yến tập trung với số lượng lớn ở các tỉnh duyên hải miền Trung đến các tỉnh Nam Bộ. Nghề nuôi yến trong nhà đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng. Đặc điểm nhận dạng của loài chim này bao gồm: Đuôi ngắn, không chẻ; Lưng không có khoảng trắng; Đập cánh liên tục khi bay; Không bao giờ đậu;

 

2. Vị trí và hướng của nhà yến

Một trong những yếu tố quan trọng của nhà yến là vị trí và hướng nhà, 02 yếu tố này chiếm hơn 50% tỉ lệ thành công cho nhà yến của bạn. Đặc biệt, khác với việc ngăn phòng, lắp loa, đóng ván,… là những yếu tố có thể chỉnh sửa được, vị trí và hướng nhà là những yếu tố cố định. Nếu chọn sai thì bạn gần như nắm chắc thất bại mà không thể cứu vãn được, trừ khi bạn mời “thần đèn” đến dời nhà.

 

Để có thể xác định được vị trí cũng như hướng của nhà yến, bạn cần phải trả lời các câu hỏi như sau:

– Xác định xem khu đất bạn định xây dựng có chim yến hay không? Bạn có thể quan sát vào mỗi buổi chiều xem có thấy chim yến bay về nhà không hoặc đặt máy thử chim. Lượng chim tại khu vực đó càng nhiều, xác suất thành công của bạn càng cao.

– Hướng mặt trời mọc? Nhà yến của bạn nên tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào 2 vách bên hông nhà vì điều này sẽ làm tăng nhiệt độ bên trong. Nhà xây theo trục Bắc – Nam chắc chắn sẽ nóng hơn trục Đông Tây.

– Nguồn nước? Nếu xung quanh khu đất của bạn có ao, hồ. Hãy cố gắng đặt nhà yến của bạn gần đó. Đây sẽ là nơi chúng đến uống nước và tìm thức ăn mỗi ngày. Do đó, vị trí xây nhà yến càng gần nguồn nước càng tốt.

– Đường bay của chim yến? Bạn cần quan sát thật kỹ lưỡng xem đàn chim từ đâu bay về mỗi buổi chiều. Nếu có nhiều hơn một hướng, bạn nên chọn hướng có số lượng chim nhiều nhất. Hướng nhà nên thuận theo hướng này. Lỗ thu chim phải đặt đối diện với đường chim bay để đón trọn đàn chim vào nhà.

– Nguồn cung cấp chim con? Những nhà yến thành công, có nhiều chim ở sẽ là nguồn cung cấp chim con cho nhà yến của bạn. Nó sẽ giúp bạn tăng bầy đàn trong nhà một cách nhanh chóng. Nếu các yếu tố kỹ thuật trong nhà bạn được đảm bảo tốt, bạn sẽ thấy kết quả rất bất ngờ.

– Khoảng cách từ nơi bạn ở đến nhà yến tốt nhất không nên quá 2 giờ đi xe. Nếu xa hơn, bạn sẽ khó đến thăm nom, bảo trì thường xuyên. Tệ hại hơn, khi có bất cứ trục trặc kỹ thuật gì xảy ra, bạn sẽ không thể đến để khắc phục kịp thời.

 

3. Cấu trúc nhà yến

Một ngôi nhà Yến với cấu trúc khoa học có tính toán cẩn thận phù hợp với đặc tính sinh sống của chim Yến sẽ giúp đàn chim Yến yên tâm sinh sống, tăng trưởng nhanh và ổn định. Các Yếu tố dưới đây khi xây dựng một ngôi nhà Yến mà các bạn cần phải xem xét và tính toán kỹ tới. Phần cấu trúc ngôi là là phần mà bạn không được làm sai ngay từ bước đầu, vì nếu nó sai – hậu quả là cực kì khó sửa. Vì nó liên quan đến phần cứng của ngôi nhà, mọi việc sửa chửa sau này sẽ phải tốn chi phí và công sức rất lớn.

+ Trước hết, trong cấu trúc nhà yến, bạn cần phải tính toán rất cẩn thận về đường lượn của chim yến, đã có rất nhiều trường hợp thất bại trong việc nuôi yến trong nhà từ khi xây dựng thô ngôi nhà yến do tính toán đường lượn của chim yến bị sai, từ đó dẫn tới bản thân ngôi nhà trở thành rào cản khiến chim yến không thể bay sâu vào nhà để tìm hiểu và ra quyết định làm tổ tại đó hay không.

+ Thứ hai, bạn cần phải tính toán tới đà tổ. Kiến thức, kiến trúc và cách các bạn làm đà tổ quyết định rất lớn tới hiệu suất gọi đàn sau này.

+ Thứ ba, cấu trúc nhà yến của bạn xây dựng phải tạo ra được cảm giác an toàn, thoải mái cho chim yến ở lại.

Các bạn có thể tham khảo một số thông tin về cấu trúc nhà yến đã được tổng hợp và đúc kết như sau:

– Kết cấu và kích thước nhà nuôi chim yến: Nhà khung bê tông cốt thép, mái đổ bê tông, tường xây gạch 20cm; Nhà cấp 4 – cột gạch, tường xây gạch 20cm, mái lợp tôn cách nhiệt; Nhà khung thép tiền chế, tường và mái bằng tôn cách nhiệt; Kích thước nhà nuôi chim yến trung bình là 5m x 20m, kích thước lý tưởng là 8m x 20m và tối thiểu là 4m x 10m.

– Kích thước lỗ ra vào và các phòng trong nhà yến: Lỗ ra vào có chiều cao từ 30 – 40cm, chiều ngang từ 50 – 70cm ; Kích thước phòng lượn tối thiểu 4m x 4m, chiều cao từ 2m – 2.5m; Kích thước các phòng trong nhà tối thiểu 4m x 4m, tối đa 8m x 16m. Chiều cao tối thiểu 2.2m, tối đa 3m; Lỗ thông tầng từ 1m x 1m đến 4m x 4m.

 

4. Môi trường sống bên trong nhà yến

Môi trường sống trong nhà yến được tạo sao cho gần giống nhất với điều kiện sinh sống của yến ngoài tự nhiên.

– Nhiệt độ thích hợp từ 26-30 độ, lý tưởng là 28-29 độ;

– Độ ẩm thích hợp từ 70%-85%, lý tưởng là 75%-80%;

– Ánh sáng thích hợp từ 0.02 – 0.10 lux;

– Phải có hệ thống thông hơi, thoáng khí.

 

5. Hệ thống âm thanh dẫn dụ

Làm sao để chim Yến từ nơi khác tìm đến nhà bạn tìm hiểu và định cư? Hệ thống phóng thanh loa ngoài sẽ giúp bạn làm điều đó.

Nếu việc bố trí sắp xếp loa không khoa học, chim có thể tới nhưng không chịu vào, hoặc chim tới làm tổ không phải là loại chim Yến nhả nước miếng làm tổ mà là chim Yến lấy cỏ làm tổ . Để tìm được CD tiếng thật và chất lượng, bạn cần có sự tư vấn kỹ càng từ những người có nhiều kinh nghiệm hoặc những công ty, tổ chức chuyên nghiệp.

Để dụ chim yến hiện nay có rất nhiều loại tiếng, nhưng nói chung gồm có 3 loại : Loại tiếng ngoài dùng để hấp dẫn chim yến quy tụ lại ; Loại tiếng hút để thu hút chim chui vào nhà và loại tiếng trong để dụ chim yến tưởng rằng nhà này đã có nhiều chim yến ở. Tiếng ngoài và tiếng hút được mở từ 5h sáng – 8h tối. Tiếng trong được mở từ 5h sáng – 12h đêm. Không nên mở tiếng qua đêm.

 

6. Mùi bầy đàn

Kỹ thuật tạo mùi bầy đàn có thể nói là một nghệ thuật. Một căn nhà Yến vừa mới xây xong nếu kỹ thuật tạo mùi bầy đàn tốt sẽ tiết kiệm thời gian chờ của nhà Yến và tăng tốc gọi đàn vào thời gian đầu vô cùng hiệu quả. Chim Yến là loài sống theo bầy đàn, đàn càng lớn và đông sẽ có lợi thế rất lớn trong việc giữ chân những con chim non ở lại. Vậy bạn

cần phải làm sao để con chim non nghĩ là nhà bạn mới xây có lượng chim ở lại rất là nhiều rồi.

Các bạn nên tham khảo việc dùng các dung dịch tạo mùi để chim yến tưởng rằng nhà này đã có nhiều chim yến ở . Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dung dịch tạo mùi như : Bột rải sàn KW3, PW-Cair, PW Concentrate, Love Potion .v.v…. Ngoài ra còn có phân chim yến thật . Tùy theo công trình và điều kiện mà bạn nên chọn lựa nguyên liệu tạo mùi cho phù hợp.

 

7. Chống thiên địch

Chim Yến có một số thiên địch ở ngoài tự nhiên như chim cú mèo, chim ưng, …

Một số thiên địch bên trong nhà yến, như: gián, chuột, thằn lằn, kiến… bạn đều phải tính toán hết những cách để tiêu diệt những loài thiên địch này trong moi trường yến sinh sống. Điều đó vừa đảm bảo an toàn cho sự sinh trưởng và phát triển của yến tại nơi trú ngụ và dễ dàng cho yến làm tổ.