Câu hỏi đầu tiên của những người có dự định bắt đầu nghề nuôi chim yến có lẽ luôn là “Nhà nuôi chim yến được xây dựng ra sao? ” . Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu những yếu tố then chốt để xây dựng nhà nuôi chim yến hiệu quả và hợp lý.

 

1. Địa thế xây nhà nuôi chim yến

 

Lựa chọn địa thế xây nhà nuôi chim yến phải dựa trên phương pháp theo dõi đời sống của chim, không xây nhà yến tuỳ thích theo ý muốn của con người. Kinh nghiệm từ những người nuôi chim yến trong nhà thành công là bởi họ đã theo dõi cuộc sống thiên nhiên của chim yến.

Trên cơ sở tìm hiểu phân tích tập tính sống của chim yến, họ đã mô phỏng môi trường sống trong nhà yến gần giống với môi trường sống của yến ngoài tự nhiên. Ngôi nhà đó cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Vị trí xây nhà nuôi chim yến phải gần đồng ruộng, bụi cỏ, rừng cây thấp, biển, sông, hồ… Những nơi này có nhiều thức ăn của chim, tạo điều kiện để chim tìm mồi dễ dàng, nhất là vào mùa mưa.

Điều quan trọng nhất là ngôi nhà phải được xây trong vùng có chim yến sinh sống, khu vực chim kiếm ăn, dưới đường chim bay. Cần quan sát thấy chim bay lượn trên bầu trời một số lần trong ngày ở nơi định xây nhà và vẽ sơ đồ đường bay của chim. Ngôi nhà phải xây tốt nhất là không cách xa trung tâm có yến (hang động hoặc nhà có yến sinh sống) 5 – 8km, hoặc nơi có nhiều chim đến kiếm ăn, càng gần càng có cơ hội thành công.

Nhà nuôi chim yến không nên xây ở độ cao vượt quá mặt biển 1000m. Nếu độ cao trên 1000m chim yến vẫn có thể sinh sống, làm tổ trong căn nhà đó, nhưng đa số sau khi đẻ, chim non bay đi tìm những căn nhà ở địa thế thấp hơn.

Hiện nay, nhà yến được khuyến cáo là nên xây ở những vùng có độ cao dưới 500m so với mực nước biển. Địa điểm xây nhà phải là nơi không có nhiều công xưởng, nhà máy. Nơi đó cũng cần đáp ứng điều kiện có nhiều loại côn trùng làm nguồn thức ăn cho yến.

 

2. Hình dáng căn nhà, tường nhà

 

 

Hình dáng căn nhà của chim thường giống một cái kho lớn, tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện của mảng đất để xây nhà yến mà có thể nhiều kiểu dáng nhà yến khác nhau, đó có thể là hình khối ống, hoặc hình khối chữ nhật có bề ngang rộng.

Thậm chí ngày nay để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, người ta còn xây nhà yến như những khách sạn để mái bằng hoặc lợp mái.

 

3. Kích thước nhà

 

Kích thước nhà nuôi yến tùy theo điều kiện của miếng đất, nhưng bề rộng tối thiểu 4m, diện tích tối thiểu 100m2. Hình dáng căn nhà có thể có nhiều kiểu, hình khối ống, hình khối chữ nhật, để mái bằng hay lợp mái tùy vào đặc điểm khí hậu từng vùng.

Kích thước lý tưởng đủ rộng để chim yến bay lượn là khoảng 4x4m và không có vật cản nào trên đường bay. Nếu muốn chim yến vào ở trong nhà bạn thì lối vào phải được thiết kế thật chính xác, kích thước phòng lượn đủ lớn để chúng có thể bay lượn vòng mà không bị vướng.

Lỗ vào phòng làm tổ cũng phải được bố trí hợp lý để chúng có thể bay vào. Các phòng làm tổ thường có kích thước 4x4m. Khi tính toán kích thước nhà nuôi yến thì chiều cao cũng là yếu tố quan trọng.

Chiều cao mỗi tầng phụ thuộc vào nhiệt độ của nơi làm nhà yến. Những nơi có nhiệt độ cao nên xây trần cao để không khí lưu thông nhanh, phòng thông thoáng, giảm thiểu tác động của nắng nóng.

Chiều cao tối thiểu phải từ 2,7m trở lên vì khi chim yến bay, chúng cần “rơi” khỏi thanh làm tổ khoảng cách từ 2,1m trước khi bay lên. Cho nên nếu trần nhà quá thấp yến sẽ gặp khó khăn khi bay và cảm thấy không thoải mái khi làm tổ quá thấp.

Chiều cao tối đa của mỗi tầng không vượt quá 4,5m. Nắm rõ kích thước nhà nuôi yến lý tưởng, người nuôi yến có thể lên phương án thiết kế và dự trù vật liệu, thiết bị làm nhà yến một cách chính xác, hợp lý hơn.

 

4. Cửa ra vào và nền nhà

 

Cửa cho người: chỉ xây 1 cửa, tốt nhất sau khi đi vào cần qua 1 phòng nhỏ, rồi mới đến cửa cho người đi vào phòng chim.

Cửa ra vào của chim phải được tạo như một cái hang. Có thể sơn màu đen. Từ phía ngoài quan sát cửa ra vào của các ngôi nhà yến cũ tại Việt Nam ta có thể thấy đó là một khoảng tối rõ rệt so với tường xung quanh.

Khi xây nhà yến mới để giảm ánh sáng người ta có thể làm thêm một ống bọc kéo dài ở cửa hoặc mái che, làm sao cường độ ánh sáng trong phòng nhỏ hơn 2 lux. Kích thước cửa ra vào cho chim có quan hệ với thời gian chờ đợi để chim vào làm tổ, số lượng yến trong nhà, luồng gió, ánh sáng và sự an toàn.

 

5. Phòng của chim

 

 

Độ cao mỗi tầng nhà chim ít nhất 2m, thí dụ căn nhà có độ cao 7,5m thì chia làm 3 tầng, mỗi tầng lại chia thành các phòng. Tuy nhiên cần chú ý là có khoảng thông tầng. Làm sao cho bầu không khí trong phòng giống như trong các hang vách đá tự nhiên.

Số tầng: Tuỳ thuộc vào điều kiện của chủ đầu tư, tối thiểu là 2 tầng và cơ hội thành công rất cao khi phía trên có thêm 1 phòng để chim bay lượn, diện tích bằng ½. Nhà yến 1 tầng ít có cơ hội thành công hơn bởi nó quá thấp, không thuận tiện về đường bay của chim; nhiệt độ, ẩm độ khó điều chỉnh; ít điều kiện để chim lựa chọn một chỗ thích hợp nhất cho nó

Số phòng: Nếu không đặt phòng dạo chờ ở phía trên, vẫn cần thiết kế 1 phòng dạo cùng tầng với phòng nghỉ. Vì khi chim đi vào nhà, chim thích bay lượn một lúc trong phòng dạo trước khi vào phòng nghỉ qua 1 cửa.

 

6. Sơn nhà và ánh sáng

 

Quét nhà bằng vôi trắng là tốt nhất, màu trắng đủ dịu, phẳng và không dễ bị hư hỏng. Mặt trong nhà có thể chỉ tô trát tường mà không quét vôi. Tuy nhiên, hiện nay qua thực tiễn xây dựng nhà yến, các nhà có màu xanh hoặc chuồng cũ sơn xanh cũng có tác dụng tốt để dụ chim yến vào nha.

Cường độ ánh sáng trong nhà yến: Trong tự nhiên chim rất thích sống ở chỗ tối nên khu vực chim làm tổ phải có ánh sáng gần như trong hang động. Vì vậy, cửa ra vào của người bao giờ cũng đóng kin, cửa ra vào của chim chỉ 1 – 2 cửa tuỳ cách xây nhà và là nơi ánh sáng duy nhất lọt vào trong nhà.

 

7. Độ ẩm và nhiệt độ trong nhà

 

Trong môi trường tự nhiên, nhiệt độ và độ ẩm của các hang có chim sinh sống có đặc trưng khá ổn định. Kết quả điều tra cơ bản hang có sản lượng cao nhất của tỉnh Khánh Hoà cho thấy, độ ẩm biến thiên từ 90 – 95%, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 biến thiên từ 26 – 27 độ C. Đây chính là điều kiện lý tưởng để chim làm tổ, đẻ trứng, nuôi con.

 

8. Hàng rào và khuôn viên xung quanh nhà

 

Tối ưu nhất là ngôi nhà nên xây trong 1 khuôn viên có đất xung quanh, để chim một sân lượn nhất định. Kích thước sân lượn tối thiểu là 4 x 4m, sân lượn rộng hơn càng tốt. phía ngoài căn nhà hoặc phía ngoài sân nên xây tường bê tông hoặc hàng rào điện có tác dụng chắn gió chim có thể bay vòng đây đó và cảm thấy an toàn trước khi bay vào nhà.

Chim cũng thường bay vòng trong sân để giảm tốc độ bay và định rõ vị trí của lỗ ra vào. Xung quanh tường nhà chim cần làm một rãnh nước nhỏ để tránh kiên bò vào. Trước nhà có thể trồng thêm cây như chuối, sung, keo dậu… nhưng cây cối này không được cao qua lỗ của để tránh cản trở khi chim bay ra bay vào. Tường rào cũng có tác dụng bảo vệ ngôi nhà.

Một ngôi nhà Yến với cấu trúc khoa học có tính toán cẩn thận phù hợp với đặc tính sinh sống của chim Yến sẽ giúp đàn chim Yến yên sinh sống tốt, tăng trưởng nhanh và ổn định. Nếu bạn muốn xây một ngôi nhà Yến hiệu quả và hợp lý hãy chuẩn bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết và tham khảo, khảo sát thật kỹ càng để bắt đầu việc nuôi yến với tỷ lệ thành công cao nhất.